Nhiều dư địa cho FinTech trước làn sóng số hóa của ngân hàng
12/06/2018
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi cơ bản và toàn diện các mô hình kinh doanh, phương thức hoạt động của rất nhiều ngân hàng, doanh nghiệp, cũng như hành vi của người tiêu dùng.
Dư địa phát triển lớn
Hiện nay, ở Việt Nam, tuy thanh toán điện tử đã phát triển, nhưng vẫn chưa thể thay thế thanh toán truyền thống. Lý do là rất nhiều người dân ở tỉnh lẻ, vùng nông thôn chưa có cơ hội để tiếp cận với các dịch vụ thanh toán điện tử. Hầu hết các phương tiện xử lý thanh toán tập trung ở các thành phố lớn.
Bên cạnh đó, nhiều người dân ở nông thôn vẫn chưa có tài khoản ngân hàng. Xu hướng sử dụng dịch vụ trực tuyến phát triển là cơ hội cho FinTech tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, các công ty FinTech đóng vai trò là đơn vị phát triển các dịch vụ mới, góp phần bổ sung những phương thức thanh toán tiện lợi và phù hợp hơn cho người dùng.
Mặt khác, việc Chính phủ ban hành Chiến lược thanh toán không dùng tiền mặt tới năm 2020 và quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thành lập Ban chỉ đạo FinTech sẽ tạo ra cơ hội cho các công ty cung ứng dịch vụ thanh toán trung gian nói chung và Payoo nói riêng.
Đây là những động thái kịp thời và cần thiết đối với thời điểm hiện tại. Sự tham gia của Chính phủ và NHNN góp phần định hướng rõ rệt cho các đơn vị như Payoo trong kế hoạch phát triển cho thời gian tới. Hiện tại, các công ty FinTech đang tích cực hoàn thiện nền tảng kỹ thuật, công nghệ, bảo mật, tiện ích và tiềm lực tài chính để sẵn sàng cho bước phát triển nhanh trong các năm tới.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp trong nước cần tận dụng tối đa các hiểu biết mang tính “địa phương” của mình để sẵn sàng cạnh tranh khi các công ty công nghệ lớn trên thế giới tham gia vào thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam. Chúng tôi cũng hy vọng rằng, Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm và hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của lĩnh vực này.
Từ năm 2008, NHNN đã triển khai thí điểm cho phép nhiều doanh nghiệp không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán trung gian, trong đó có Payoo. Hiện tại, hành lang pháp lý cho các hoạt động trung gian thanh toán đã khá rõ ràng. Tính đến thời điểm này, đã có trên 20 đơn vị được cấp phép chính thức từ NHNN. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều công ty FinTech khởi nghiệp đem đến nhiều sản phẩm, dịch vụ mới cho ngành tài chính – ngân hàng.
Cuộc cách mạng của hệ thống ngân hàng về phát triển ngân hàng số trong xu hướng làn sóng công nghệ ngày càng lan tỏa hiện nay cũng được xem là điều kiện thuận lợi đối với các công ty FinTech. Bởi các công ty FinTech thường là đơn vị nhỏ, với nền tảng công nghệ tinh gọn và có khả năng bắt nhịp nhanh với xu thế.
Trong bối cảnh đó, sự hợp tác giữa ngân hàng và công ty FinTech dưới hình thức đối tác được xem là một chiến lược phù hợp và cần thiết. Khi các ngân hàng sẵn sàng số hóa trước làn sóng công nghệ, sẽ tạo thuận lợi cho các công ty FinTech, góp phần giúp ngân hàng rút ngắn thời gian phát triển toàn diện ngân hàng số.
Cụ thể, các công ty FinTech sẽ đồng hành với các ngân hàng trong việc phát triển nhiều dịch vụ mới, hoàn thiện về mặt hạ tầng nhằm giúp ngân hàng chuyển đổi nhanh hơn, cũng như sớm đạt mục tiêu trong phát triển ngân hàng số. Tuy vậy, vẫn có một số công ty FinTech chọn chiến lược cạnh tranh và đối đầu trực tiếp với ngân hàng ở một số mảng dịch vụ mà ngân hàng chưa kịp chuyển mình.
Riêng Payoo, với chiến lược mở rộng hợp tác, sẽ là cánh tay nối dài của các ngân hàng, nỗ lực phối hợp cùng phát triển ngân hàng số. Đến nay, Payoo đã kết nối với hơn 35 ngân hàng trong nước và quốc tế, với mục tiêu góp phần đưa ngân hàng số trở nên phổ biến ở Việt Nam.
Cạnh tranh cũng khốc liệt
Việt Nam có dân số trẻ và làn sóng số hóa đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Đây là lý do chính cho thấy, Việt Nam là một thị trường FinTech đầy tiềm năng và dư địa phát triển lớn. Trong khi đó, thanh toán là nhu cầu cơ bản đối với mọi người trong cuộc sống hàng ngày, nên việc phát triển công nghệ để mang lại cho người dùng các cách thức thanh toán dễ dàng, tiện lợi và gần gũi là rất cần thiết.
Tuy nhiên, việc thay đổi toàn diện cần sự tham gia của nhiều bên liên quan, cụ thể là ngân hàng, các doanh nghiệp bán hàng hóa, dịch vụ và người dân. Thực tế cho thấy, xu hướng sử dụng dịch vụ trực tuyến đang dần thay thế dịch vụ thanh toán truyền thống, cũng như qua hệ thống ngân hàng. Đây còn được xem là cơ hội cho FinTech tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, nhưng cạnh tranh cũng rất khốc liệt.
Đến hiện tại, vẫn chưa có số liệu thống kê chính thức về thị trường FinTech tại Việt Nam nên rất khó để xác định thị phần của một doanh nghiệp cụ thể trên thị trường. Trong số 25 công ty FinTech đang hoạt động, mỗi đơn vị có những thế mạnh riêng, thị trường riêng của mình.
Mặc dù ít nhiều có sự cạnh tranh trong quá trình phát triển của từng đơn vị, nhưng mỗi đơn vị đều có những hướng đi đặc thù riêng, nhằm góp phần đem đến những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho người dùng tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, do thị trường thanh toán ở Việt Nam còn khá sơ khai nếu so với các nước phát triển, các công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán vẫn còn rất nhiều “đất trống” để diễn. Các đơn vị này đang cùng nhau góp phần đem đến những cái mới, sự tiện lợi cho người dân trong hoạt động thanh toán tại Việt Nam.
Vì vậy, cạnh tranh trong lĩnh vực FinTech là khó tránh khỏi, nhưng đây không phải là “cuộc chiến”, mà là cuộc chạy đua giữa các công ty FinTech trong lĩnh vực thanh toán nhằm đem đến những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất, tiện lợi nhất cho người dùng.
Qua đó, sự kết hợp giữa các công ty FinTech và các ngân hàng, hay các nhà cung cấp dịch vụ sẽ góp phần làm thay đổi đáng kể cách thức người dùng thanh toán các sản phẩm, dịch vụ hàng ngày.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, FinTech đang được xem là lĩnh vực rất tiềm năng, nên ngày càng nhiều nhà đầu tư tập trung vào lĩnh vực này. Điều đó sẽ góp phần thúc đẩy sự ra đời của những sản phẩm, dịch vụ đột phá cho lĩnh vực thanh toán nói riêng và lĩnh vực tài chính – ngân hàng nói chung.
Với Payoo, sự hợp tác với tất cả đơn vị cung cấp các giải pháp thanh toán khác để hướng tới một mục tiêu chung là mang lại những sản phẩm, dịch vụ mới, đột phá cho ngành tài chính – ngân hàng và đem đến những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Payoo đã và đang chuẩn bị nền tảng công nghệ thân thiện, phương thức thanh toán đa dạng để sẵn sàng kết nối với các đối tác khi có yêu cầu.
Hiện tại, Payoo đã hợp tác trực tiếp với gần 30 ngân hàng, các đơn vị trung gian thanh toán khác và hơn 100 nhà cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Với chiến lược “One-stop payment” và sự hỗ trợ từ NTT Data Nhật Bản, Payoo đã đạt được nhiều kết quả đáng kể trong năm qua.
Cụ thể, đến cuối năm 2017, Payoo đã liên kết với gần 7.000 điểm trên toàn quốc là các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị, cửa hàng điện máy…, kết nối trực tiếp với 30 ngân hàng, giúp khách hàng có thể thanh toán hơn 200 loại hóa đơn tiện ích khác nhau. Với lượng người dùng lớn, thường xuyên, tổng giá trị giao dịch qua Payoo đạt 2 tỷ USD/năm.
Trong năm 2018 và thời gian tới, Payoo tiếp tục mở rộng các dịch vụ mới thông qua việc liên kết với các đối tác chiến lược, chẳng hạn như các dịch vụ ngân hàng, dịch vụ giao nhận, thương mại điện tử, tài chính… để cung cấp đầy đủ nhất các dịch vụ thanh toán cho khách hàng, đáp ứng mục tiêu chiến lược “One-stop payment – Một điểm đến cho mọi thanh toán”.
Payoo cũng tập trung nâng cấp về mặt hạ tầng hiện tại, cũng như phát triển nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến, nhằm thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt như mobile payment (QR code, contactless), mPOS, NFC smartcard cho giao thông công cộng, các kios tự phục vụ, nâng cấp EDC POS chấp nhận các phương thức thanh toán hiện đại, tăng kết nối khách hàng.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn